Không biết bài viết phân biệt son MAC thật giả lần trước có giúp ích gì được cho các nàng không nè? Hôm nay chúng ta tiếp tục học cách phân biệt son MAC chính hãng nhé, lần này là phân biệt son MAC fake cao cấp (super fake) luôn nè.
Bài viết lần trước được Nie dịch ra từ Vlog được publish từ 2014 nên so với thị trường son MAC chính hãng và giả bây giờ cũng có vài điểm “lạc hậu” rồi.
Với phần này Nie sẽ phân tích ra những điểm từ đơn giản đến phức tạp nhất để phân biệt son MAC chính hãng và loại hàng son MAC giả khỏi tủ kệ son nhà mình luôn, cũng như trang bị thêm kiến thức để luôn có 1 sự lựa chọn chính xác nhé!
1. 12 điểm để phân biệt son MAC chính hãng
Cũng không biết phải nói là đau lòng hay may mắn khi mua trúng 1 thỏi son MAC giả Relentlessly Red…vì nếu không có em son MAC giả này thì mình cũng đâu nhận ra được rằng dù hàng giả có siêu cao cấp cỡ nào vẫn có những điểm khác hàng son MAC chính hãng.
Về bao bì bên ngoài thế này (hình 1), chắc chẳng ai mảy may nghi ngờ đâu nhỉ? Có nàng nào phân biệt được đâu là son MAC chính hãng và đâu là son MAC giả không?! Chắc là hại não lắm đây!
Điểm khác biệt thứ nhất là khi nhìn vào 2 vỏ hộp bên ngoài (hình 1), Nie thấy thỏi son MAC fake (bên trái) có chữ màu trắng ngà (hơi kem), không phải trắng tinh như bên son MAC thật đâu ạ.
Điểm khác biệt thứ 2 mình muốn đề cập đến chính là font chữ, nhìn vào 2 chữ Relentlessly Red thấy rõ ràng luôn ha, font chữ của cây son thật (bên phải – hình 2) có hơi lộn xộn 1 xíu, nhưng mà chắc cũng nhờ vậy mà khó để “sao y bản chính”.
Về thành phần sau khi rà soát kĩ càng mình thì son fake không để sót chất nào hết đâu (hình 3)
Điểm khác biệt thứ 3: Phần dễ nhận biết nhất khi nhìn vào vỏ hộp chính là đây. 2 mã vạch quá khác biệt luôn, ngoài chênh lệch về độ dài ngắn, thì cũng lại gặp 1 lỗi không thể sao chép được là font chữ, có phần hơi nghệch ngoạc của hàng son MAC chính hãng (bên dưới – hình 4) đang làm khó mấy tiến sĩ hàng fake đây.
*** Update 2016: Phần mã vạch của những lô sản xuất vào khoảng cuối 2015 và đầu 2016 của hàng chính hãng đã có cải thiện, nhiều mã số in không còn nghệch ngoặc nhiều như những mẫu cũ nữa và chữ số khá đẹp và ngay ngắn. Điểm này đã không còn chính xác để phân biệt nữa, nên thông tin trên các bạn có thể tham khảo lấy thêm kinh ngiệm chứ không mang tính tuyệt đối nhé.
Điểm khác biệt thứ 4: Khi mở nắp son ra, lại đem đến cho Nie một phát hiện “mới mà cũ” chính là MÙI son, thỏi son MAC chính hãng sẽ có mùi vanila rất rất thơm luôn sộc vào mũi và cảm nhận được liền, thỏi son MAC giả này vẫn có mùi thơm chứ không còn là mùi nhựa rẻ tiền hay không mùi như các cây son MAC giả quá lộ liễu trong bài trước, có điều vẫn không thể nào tỏa ra mùi vanila đặc trưng của son MAC chính hãng được. Cái này các nàng mà rảnh thì ghé SaigonScent, Nie cho test người thật việc thật luôn. Qua nhé?!
Bây giờ tới thân son. Thân son MAC chính hãng và son MAC giả cũng khá là giống nhau các nàng hen? Giống từ chiều dài chữ C đến vị trí và màu bạc của chữ M.A.C trên thân son, nếu ai đã đọc bài dịch bày cách phân biệt son MAC phần 1 (cơ bản) của mình tới đây sẽ ngẩn ngơ không biết làm thế nào luôn phải không nè?
Nhưng khi cầm thỏi son lên và sờ vào thì thỏi son MAC chính hãng chữ M.A.C luôn luôn được khắc vào, có lõm vô 1 chút, còn bên thỏi fake thì láng mịn như được in lên một cách tinh vi thôi về màu sắc giống nhau tới 90% luôn. Đó là điểm khác biệt thứ 5.
Mấy tiến sĩ hàng fake có vẻ thích sự bóng bẩy, thân son fake được sơn bóng lên và khi đặt vào so sánh với thân son MAC chính hãng sẽ thấy bên son MAC giả bóng lưỡng và bên son MAC chính hãng còn lại xám mờ hơn (hình 6). Điểm khác biệt thứ 6 hen.
Điểm khác biệt thứ 7: Gần đáy son cũng có 1 điểm khác biệt, son MAC giả sờ vào rất trơn tru, sờ vào thỏi son MAC chính hãng sẽ có 1 đường chạy ngang bao bọc khắp thỏi son.
Ở dưới đáy thỏi son đều có tem dán tên son, địa chỉ nơi sản xuất, lô sản xuất. Nhưng nhìn kĩ sẽ thấy ở thỏi bên trái tem này khá bóng, còn bên phải lại mờ hơn rất nhiều. Đặc biệt, lô sản xuất AB4 của son MAC giả (hình 8) nét chữ khá thanh mảnh, mỏng và nhỏ hơn so với chữ A45 (tên lô sản xuất của son MAC chính hãng) nét chữ đậm, dày, to hơn. Điểm này khá đơn giản để phân biệt -> điểm khác biệt thứ 8.
Điểm khác biệt thứ 9: Vặn son lên thì màu son và chất son đều cực kì khác biệt luôn. Nhìn hình có thể đọc vanh vách luôn ha, son fake được làm theo kiểu son dưỡng có màu hơi bóng, trong khi son MAC chính hãng Relentlessly Red là son lì ạ (hình 9).
Điểm khác biệt thứ 10: Phần cuối son bên hàng son MAC giả làm khá là lem luốc kiểu không kĩ càng và không phải được hoàn thiện từ máy móc cao cấp. Nhìn sang bên phải là son MAC chính hãng thấy ôi sao đúng là “tiền nào của nấy” (hình 10).
Điểm khác biệt thứ 11: Như đề cập ở bài trước son giả thường không thể giống hệt kích thước mà to hơn một chút so với son MAC chính hãng.
***Chú ý: Cách dễ nhất là khi đổi nắp 2 thỏi qua lại thì không thể vừa đâu ạ, không đậy khít lại cũng như không nghe được tiếng “tách” quen thuộc mỗi lần đóng nắp son MAC chính hãng.
Điểm khác biệt thứ 12: Điểm cuối cùng mình muốn chỉ ra ở đây là khi mở phần tem dưới đáy son ra nếu là son MAC chính hãng sẽ thấy 1 lõm tròn nhỏ kèm theo chữ Reg Design, còn son MAC giả thì hoàn toàn không có nha. Cái này rất nhiều blogger nước ngoài cũng đồng quan điểm.
Vậy là cuối cùng cũng xong, Nie vừa đưa ra 12 điểm để chúng ta cùng làm “thánh soi” đó. Tuy nhiên vì mình đã đau lòng rước 1 em son MAC giả về nên có 2 thỏi để đặt lên bàn cân so sánh. Chứ nếu mọi người ra các shop mỹ phẩm mua thì cũng đừng lo ngại vì không biết nên dựa vào điểm nào để vừa chính xác mà lại nhanh chóng thì Nie sẽ tóm tắt ra 5 điểm quan trọng như sau hen:
- Chữ M.A.C trên thân son có được khắc vào thân son hay không?
- Mùi của thỏi son có hương vanila đặc trưng không hắc nồng?
- Vặn hết son lên, phần đuôi son có bị lem luốc hay hoàn thiện một cách gọn gàng?
- Phần gần đáy son có đường viền chạy quanh thân son không?
- Nét chữ của lô sản xuất có to, dày in đậm lên hay thanh mảnh?
- Cái lõm ở đuôi son cùng dòng chữ “REG DESIGN” của son MAC chính hãng!
Còn giờ thì mình hoa mắt, chóng mặt vì 2 thỏi son này quá ạ :(. Thiệt là hại não, thiệt là hại não mà!